Hiện ĐH Quốc gia TP.HCM xây dựng Chương trình phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM thành trung tâm đào tạo,ườngĐHđồngloạtđàotạovềcôngnghiệpbándẫvlxx tv nghiên cứu, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến 2045. ĐH này đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch VN và thế giới. Xây dựng khung chương trình đào tạo ĐH và sau ĐH tiên tiến ngành thiết kế vi mạch và triển khai đào tạo trên 1.500 kỹ sư và 500 thạc sĩ trong giai đoạn 2023 - 2030. Xây dựng chương trình đào tạo hiện đại cấp chứng chỉ công nghiệp và quốc tế về thiết kế vi mạch cho 15.000 kỹ sư.
Nói thêm về tình hình đào tạo, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết công nghệ bán dẫn hiện còn khá mới ở VN và chưa có tên trong danh mục ngành đào tạo của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực này đang được đào tạo tại nhiều trường như kỹ thuật điện tử.
Cũng theo tiến sĩ Nhân, để làm việc trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, người học có thể tốt nghiệp từ nhiều ngành như: công nghệ thông tin, cơ khí, điều khiển tự động hóa… Các ngành trên hiện đã được đào tạo ở nhiều trường ĐH, thông qua huấn luyện, đội ngũ này có thể được chuyển đổi để tham gia vào nhóm công việc liên quan đến bán dẫn.
Cần nhân lực giỏi để đón làn sóng bán dẫn
Liên quan đến nguồn nhân lực về thiết kế vi mạch, một số trường ĐH đã đào tạo theo hướng chuyên ngành nhiều năm nay. Ví dụ, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có một số ngành đào tạo có chuyên ngành thiết kế vi mạch bậc ĐH và sau ĐH. Trong đó, bậc ĐH có ngành kỹ thuật điện tử - viễn thông với 250 sinh viên/năm, kỹ thuật viễn thông (Việt Pháp ) 20 sinh viên/năm và hệ thống mạch - phần cứng (chương trình tiên tiến với 30 sinh viên/năm). Bậc cao học, ngành kỹ thuật điện tử - kỹ thuật viễn thông cũng có chuyên ngành về thiết kế vi mạch.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM có ngành kỹ thuật máy tính tập trung đào tạo kỹ sư chuyên sâu về thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng từ năm 2006. Đến năm 2023, trường có khoảng 400 kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế vi mạch làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đặc biệt từ năm nay, trường đã cho phép tuyển sinh riêng đối với chuyên ngành thiết kế vi mạch trình độ ĐH.
Ngoài ra, ĐH Quốc gia TP.HCM dự kiến sẽ tạo điều kiện cho các trường thành viên mở ngành thiết kế vi mạch (trình độ đào tạo ĐH và sau ĐH) thí điểm, đồng thời liên kết đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ với các trường ĐH lớn, có uy tín trong đào tạo thiết kế vi mạch.
Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đang xây dựng đề án mở ngành đào tạo về thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn, dự kiến sẽ tuyển sinh 2 ngành này trong năm tới.
PGS-TS Huỳnh Văn Tuấn, Trưởng khoa Vật lý - Vật lý kỹ thuật Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết thêm 2 ngành mới này thực ra đã từng là chuyên ngành được đào tạo từ lâu tại 2 khoa Điện tử - Viễn thông và Vật lý - Vật lý kỹ thuật của trường. Nay nâng cấp thành ngành độc lập, sinh viên các ngành này sau 4 năm học tập với tổng số 135 - 140 tín chỉ, sẽ nhận được bằng cử nhân kỹ thuật.