Xe ôtô hoàn toàn có khả năng di chuyển qua đường ngập,ữngmốinguykhicốđiquađườngngậpnướvtv5 online với điều kiện ngập không quá sâu và mặt đường đủ điều kiện an toàn để lưu thông. Tùy từng hãng, từng dòng xe mà có mức khuyến cáo lội nước khác nhau, nhưng về cơ bản, nửa bánh xe là mức an toàn. Ở những mực nước cao hơn, tùy kiểu nước chảy, dòng phương tiện mà chiếc xe có thể vượt qua an toàn hay không. Ngấp nghé nắp ca-pô, hoặc lút bánh, nửa thân dưới cửa xe là mức không còn an toàn.
Ngoài thủy kích, xe đi đường ngập còn có một số rủi ro khác như bánh trượt nước, sập hố... Dưới đây là những nguy cơ được các chuyên gia lái xe an toàn tư vấn.
Nước ngập chảy xiết
Nước ngập chảy xiết thành dòng dễ khiến phương tiện bị trôi hơn nước ngập tĩnh. Theo Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA), dòng nước chảy xiết là mối nguy hiểm lớn với người và phương tiện lưu thông trên đường, khi chỉ cần mực nước cao 15 cm là có thể khiến người lớn té ngã, và khoảng 30 cm để cuốn trôi phương tiện, thậm chí là đối với những mẫu SUV kích thước lớn.
Chính vì thế, tài xế nên hạn chế di chuyển khi gặp tình huống nước chảy xiết trên đoạn ngập, cho dù mực nước vẫn ở trong mức an toàn.
Vật thể lạ, hố sâu trên đường
Những đoạn đường ngập thường "che" những nguy hiểm trên đường, ví dụ ổ gà, tảng đá, đoạn trũng. Những thứ này có thể khiến xe ngập sâu hơn dự tính, hoặc gây ra va chạm đến xe. Ngoài ra, còn có nhiều vật thể khác ẩn dưới mặt nước, gây nguy hiểm cho xe/tài xế trong khi mưa bão, ngập lụt, ví dụ như đường dây điện đứt, cây cối bị đổ, các hóa chất độc, rác, động vật hoang dã.
Do đó, khi đi qua đoạn ngập lụt, tài xế nên hiểu rõ tình trạng mặt đường, đảm bảo an toàn tối đa để đưa ra quyết định nên đi qua hay không. Nếu có nghi ngờ, hoặc đi vào những đoạn đường không quen thuộc, tài xế nên đợi nước rút cho đến khi nhìn được mặt đường, hoặc cho xe di chuyển hướng khác.
Khó dừng khi phanh gấp
Độ bám của lốp khi di chuyển trên đường ướt, ngập sẽ giảm so với khi di chuyển trên đường khô. Lốp mòn các khe thoát nước giảm tác dụng, khiến lốp thoát nước kém và dễ bị trượt nước.
Điều này tương tự với phanh, khi ướt sẽ giảm khoảng cách phanh, tức cần quãng đường dài hơn để phanh đứng, so với lúc phanh khô ráo.
Nếu lốp và phanh mòn, chưa thay trong thời gian dài, phương tiện dễ bị nước cuốn trôi hơn khi di chuyển trên đường ngập lụt, hiệu suất của phanh giảm đáng kể. Do đó, cần đảm bảo lốp và phanh vẫn hoạt động tốt vào mỗi mùa mưa, có thể thay thế nếu đã mòn. Thông thường, lốp sẽ sử dụng tốt trong khoảng 50.000-120.000 km đầu, tùy vào chủng loại, phanh nên thay mỗi 50.000-70.000 km, đĩa phanh 60.000-70.000 km.
Theo các chuyên gia, sau khi đảm bảo đủ các điều kiện an toàn, cách tốt nhất để đi chuyển qua đường ngập là đi chậm, dùng số thấp, giữ đều ga, không tăng tốc đột ngột, giữ khoảng cách với các xe khác. Những điều này giúp phương tiện hạn chế tạo sóng về hai bên, gây nguy hiểm cho các phương tiện khác, và hạn chế tối đa tình trạng bánh trượt nước, mất độ bám với mặt đường. Sau khi thoát chỗ ngập, tài xế nên cẩn trọng vì phanh và bánh ướt sẽ khiến khoảng cách phanh đứng dài hơn.
Tân Phan